Mọi người không đọc nhầm tiêu đề, chủ đề hôm nay sẽ không phải là một vấn đề kĩ thuật gì cả, mà sẽ là một kĩ năng mềm mà mình thấy rằng nó thực sự cần thiết ở bất kì nơi nào tồn tại sự đối thoại giữa người với người, đó là việc lắng nghe tích cực.

Bạn có từng phản ứng lại trước lời than phiền hay kể lể của ai đó về vấn đề của họ bằng cách phán xét, chỉ trích, đưa cho họ lời khuyên thay vì lắng nghe và đồng cảm với họ chưa ?

Bạn đã từng rơi vào trường hợp, bạn nghe câu chuyện của họ và rồi bạn liên tưởng luôn đến câu chuyện của bản thân ngay lúc đó mà chẳng cần quan tâm người ta muốn nói thêm điều gì, và rồi bạn biến đổi mạch câu chuyện trở thành bạn là chủ đề chính chưa ?

Khi đi làm, bạn nghe đồng nghiệp của mình phàn nàn về cách làm việc của bạn, cách bạn xử lý vấn đề chưa được thỏa đáng và rồi một sự phản ứng lại mà không cần suy nghĩ từ phía bạn khiến cả hai rơi vào một cuộc xung đột chưa ?

Nếu bạn đã từng rơi vào những trường hợp như vậy thì bạn không phải là người biết lắng nghe như bạn nghĩ đâu, bạn chỉ đang lầm tưởng rằng bản thân mình là một người hoạt bát thôi nhưng thực chất thì khả năng lắng nghe ở mức rất thấp.

Con người ta có xu hướng nói nhiều hơn là nghe, và luôn nói về những điều mà họ tường tận, họ thông thạo (cái điều này là đúng nếu bạn ở vai trò khai thác câu chuyện của họ) hoặc có nghe thì lại nghe cho có lệ, không tập trung vào câu chuyện khiến người nói cảm thấy bạn không thực sự tôn trọng họ.

Vậy thì làm thế nào để bạn có thể xử lý được hết các vấn đề ở trên bây giờ ? hãy học cách lắng nghe một cách tích cực.

Lắng nghe tích cực được chia làm hai cấp độ:

Cấp độ 1: cấp độ này thấp nhất, ở cấp độ này bạn lắng nghe chính bản thân bạn và diễn giải, ý kiến, phỏng đoán ​​của bạn về những gì người khác đang nói.

Ở cấp độ thứ 1 này, nhiều người rất hay đưa ra lời khuyên hộ người khác khi vừa chỉ mới nghe tới vấn đề của họ, làm như thế bạn nghĩ rằng bạn là một người giải quyết vấn đề tốt nhưng liệu nó có thực sự là tốt không ? vào thời điểm đó người nói có thực sự cần bạn cho lời khuyên ?

Việc bạn đưa ra lời khuyên chỉ đang cản trở lắng nghe tích cực vì nó khiến cả đôi bên tập trung vào việc giải quyết một vấn đề thậm chí có thể cái vấn đề đó nó không hề tồn tại.

Cấp độ 2: cấp độ này là cấp độ lắng nghe tích cực, đây là cấp độ mà người nghe trở thành một người cực kì cởi mở, tò mò, biết đồng cảm và tập trung sâu sắc vào câu chuyện của bạn, không phán xét bất kì điều gì.

Để có thể luyện tập và đưa việc lắng nghe tích cực trở thành một phần trong cuộc sống của bạn, thì bạn nên rèn luyện một số điều như bên dưới đây:

Hãy tập trung toàn bộ sự chú ý của bạn vào câu chuyện của người nói: tóm tắt lại những vấn đề mà người ta đã nói theo ý hiểu của bạn, điều này cho thấy rằng bạn đang lắng nghe tốt, tốt đến mức mà bạn có thể diễn giải và phản ánh lại cho họ những gì họ vừa truyền đạt cho bạn.

Kĩ năng này mình học được từ anh Bùi Thế Vinh (CTO) hồi mình còn làm ở Yotel, chỉ qua việc quan sát cách anh giao tiếp trong team, giao tiếp với đồng nghiệp khác từ đó mình học hỏi được.

Tuy nhiên thời điểm đó mình chưa thực sự hiểu hết về lắng nghe tích cực là như thế nào mà chỉ thực hành, mãi sau này tìm hiểu kĩ hơn thì mình mới nhận ra rằng mình đã học được nó từ khá lâu rồi.

Tuy nhiên, tóm tắt lại lời người khác nói cũng cần phải chú ý một vài điều, bạn không thể tóm tắt theo kiểu “Tôi biết chính xác vấn đề của bạn đang gặp phải, bla blo bla blo….“, hay “Tôi hoàn toàn hiểu cảm nhận của bạn đang gặp phải…

Thực sự thì bạn không thể biết chính xác vấn đề mà người khác đang gặp phải là gì được đâu, bạn chỉ có thể đoán mà thôi, nên lúc này bạn tóm tắt theo kiểu đó thì nó lại trở thành lắng nghe cấp độ 1 mất rồi (tức là hướng về bản thân bạn).

Nên đặt những câu hỏi kiểu dạng như: “À có phải là…….. rồi cái này bla bla……..” hoặc “Kiểu như cái này nó là như này như này…….. xong có phải là như này như này….

Ngắt lời người nói một cách hợp lý: chỉ để chứng tỏ rằng bạn đang lắng nghe một cách tích cực và muốn tham gia vào câu chuyện của họ, muốn phản ánh, tóm tắt lại những gì bạn hiểu từ những gì người kia nói, nhưng hãy ngắt lời họ khi bạn đã hiểu những gì họ nói, nếu chưa thực sự hiểu hãy đặt thêm câu hỏi cho họ để bạn có thể tìm hiểu vấn đề một cách rõ ràng hơn.

Hình thành sự đồng cảm của bạn với người nói: nghe có vẻ hơi mơ hồ nhưng về bản chất nó là khả năng bạn nhận ra những cảm xúc mà người kia đang cảm nhận và chia sẻ cùng với họ, hãy tự đặt bản thân bạn vào vị trí của người nói và cảm nhận xem nếu là bản thân mình nói thì mình sẽ cảm nhận vấn đề của họ như thế nào.

Hãy tạo sự tò mò của bạn với câu chuyện của người khác: bản chất của việc này là để người kia nói ra những điều mà bạn muốn biết, bạn muốn làm rõ, sẽ có đôi khi cái câu chuyện mà họ nói bạn chẳng hiểu cái gì cả nhưng mà việc bạn tò mò và đặt nhiều câu hỏi thêm cho họ nó tạo nên một sự hứng thú trong cuộc trò chuyện.

Đặt những câu hỏi mở và ngắn gọn: điều này thực sự đúng trong bất kì tình huống nào của cuộc sống, trong mối quan hệ nam-nữ, trong mối quan hệ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp,… chúng không nhằm thể hiện bạn biết những gì mà để khám phá thêm những gì người khác biết, để họ có thể nói nhiều hơn về họ và từ đó mình hiểu rõ hơn về họ.

Không nên đặt những câu hỏi mà câu trả lời của nó chỉ là: Có hoặc Không, nó chỉ đem đến kết quả là một sự cụt hứng trong giao tiếp. Cũng không nên đặt quá nhiều câu hỏi “Tại Sao“, không nên đặt kiểu câu hỏi này quá nhiều chứ không phải là không được đặt nhé.

Cái này bạn phải linh hoạt tùy tình huống mà xử lý, vì đơn giản là những câu hỏi tại sao khiến người nói ở vị thế phòng thủ hơn là cởi mở, và đôi khi nó không thực sự hiệu quả trong cuộc trò chuyện.

Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đã biết rõ họ nghĩ gì và họ cảm thấy như thế nào: mỗi người đều có một cách nghĩ riêng, cách giải thích riêng, kinh nghiệm riêng về bất kì một vấn đề nào đó, thế nên khi bạn nói vậy thì bạn không thể nào mà có thể tìm hiểu được hết câu chuyện của người ta được.

Nhiều người bây giờ luôn bị nhầm lẫn giữa tư duy phản biện và lắng nghe tích cực, họ chỉ luôn lắng nghe ở cấp độ 1 và cho rằng đó là tư duy phản biện. Một sai lầm nghiêm trọng mà mình thấy đa số môi trường công sở bây giờ đều có, luôn đề cao slogan  Critical Thinking nhưng chẳng bao giờ thấy đề cao việc Active Listening.

Tất nhiên mình không bảo các bạn chỉ nên lắng nghe cấp độ 2 mà không lắng nghe cấp độ 1, mà phải kết hợp cả hai cấp độ lại với nhau để từ đó cuộc đối thoại giữa bạn với người khác mới thực sự trở nên sâu sắc được.

Dù ở bất kì môi trường nào: nơi công sở, cơ quan, trường học, nơi công cộng, gia đình, bạn bè… thì chúng ta vẫn nên học cách lắng nghe một cách tích cực cộng thêm học hỏi thêm các kĩ năng mềm khác để khiến bản thân trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn.

Xem thêm các bài viết liên quan ở bên dưới: